• Địa chỉ: Tổ dân phố 3 -TT Mường Ảng - Huyện Mường Ảng - TỈnh Điện Biên
  • Đường dây nóng: 0215.3.865.109
  • Bảo hiểm y tế - “cứu cánh” cho bệnh nhân HIV
  • Thời gian đăng: 09/12/2020 03:04:28 PM
  • Theo dự báo, nguồn viện trợ điều trị thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV (ARV) từ các chương trình quốc tế sẽ bị cắt giảm khiến nhiều người bệnh lo lắng về chi phí điều trị. Trước khó khăn đó, tháng 5/2019, các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đưa việc chi trả tiền thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) vào thực hiện. Ðây thực sự là “cứu cánh” cho những người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh.
  • 5_2.jpg

    Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, tư vấn cho bệnh nhân HIV. Ảnh: Diệp Chi

    BHYT là giải pháp giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia khi không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn... buộc phải điều trị. Với những người bình thường, BHYT đã rất quan trọng thì với những người nhiễm HIV, bảo hiểm này còn quan trọng hơn nhiều lần. Bởi người nhiễm HIV thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, trong khi ARV là thuốc phải điều trị liên tục và suốt đời, chưa kể đến các chi phí khám chữa bệnh khác khi ốm đau, bệnh tật. Bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 3.006 người đang điều trị ARV tại 12 cơ sở điều trị HIV/AIDS (chiếm 86,8% tổng số người nhiễm HIV đang còn sống quản lý được). Thực tế cho thấy, khi các nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm, bệnh nhân HIV không tham gia BHYT rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị ARV và các loại thuốc, xét nghiệm khác. Ước tính một người nhiễm HIV nếu không có BHYT sẽ phải chi trả khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/năm cho tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội... Ðó là với phác đồ bậc 1, còn với phác đồ bậc 2, tức là bệnh nhân đã điều trị thất bại phải sử dụng phương pháp chống kháng thuốc thì chi phí có thể lên tới gần 25 triệu đồng/người/năm. Ðây là số tiền không hề nhỏ đối với những bệnh nhân bị nhiễm HIV. Còn khi tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội... Rất may là trên địa bàn tỉnh hầu hết bệnh nhân HIV đều được cấp thẻ BHYT, chỉ khoảng 1 - 2% bệnh nhân lao động tự do hoặc không thuộc các đối tượng được hỗ trợ là tự mua thẻ BHYT.  

    Việc cung cấp thuốc ARV thông qua nguồn BHYT bắt đầu được ngành Y tế triển khai từ tháng 5/2019. Ngành đã kiện toàn các cơ sở điều trị và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thanh toán khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ðồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về lợi ích khi tham gia BHYT và hỗ trợ mua thẻ BHYT cũng như triển khai các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng để người nhiễm HIV yên tâm điều trị. Ðến hết tháng 9/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã mua thẻ BHYT cho 359 người nhiễm HIV của TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TX. Mường Lay. Toàn tỉnh hiện có 7/12 cơ sở điều trị HIV/AIDS cung cấp thuốc ARV cho bệnh nhân từ nguồn BHYT, gồm: Các huyện Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Ðiện Biên, Tuần Giáo; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Dự kiến, đến năm 2021, việc cung cấp thuốc ARV cho bệnh nhân từ nguồn BHYT sẽ được triển khai rộng khắp tới 12/12 cơ sở điều trị HIV/AIDS. Việc cấp phát thuốc ARV được thông qua cơ sở điều trị, nghĩa là bệnh nhân đăng ký, được cấp thuốc từ kinh phí do BHYT chi trả. Trong 3.006 bệnh nhân nhiễm HIV, có 2.900 bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh và điều trị ARV (106 bệnh nhân còn lại là các bệnh nhân ở địa phương khác tới điều trị).

    Nhiễm HIV từ năm 2006, ông N.Ð.Q. (phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) đã có quãng thời gian khá dài điều trị miễn phí ARV từ các nguồn viện trợ. Ðến nay, khi biết nguồn thuốc viện trợ sắp bị cắt giảm, người bệnh muốn uống ARV sẽ phải trả tiền, ông Q. cũng không quá lo lắng. Ông Q. chia sẻ: “Từ năm 2018 tôi đã được cấp thẻ BHYT miễn phí để khám định kỳ và điều trị HIV. Hàng tháng tôi vẫn được kiểm tra định kỳ và nhận thuốc ARV miễn phí. Tôi hoàn toàn yên tâm tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ”.

    Với tấm thẻ BHYT trong tay, bệnh nhân nhiễm HIV hoàn toàn có thể yên tâm tuân thủ phác đồ điều trị ARV của bác sĩ. Khi đó, người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, lao động sản xuất, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội, nhất là ngành Y tế trong các hoạt động dự phòng và điều trị HIV.

  • Tác giả: Diệp Chi
  • Trang: 
  • Bệnh Viện Đa Khoa Huyện Mường Ảng